Đọc nhạc 7: Khi nào thì lặp lại, khi nào thì kết thúc?
Khi bắt đầu học đọc nhạc, có thể bạn sẽ gặp rắc rối với việc theo dõi bản nhạc sẽ được chơi/hát theo thứ tự nào. Nào là phiên khúc 1, phiên khúc 2, điệp khúc, tất cả đều được viết chồng lên nhau và đôi khi gây ra sự lẫn lộn. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một cách thông suốt, sao cho bạn sẽ không còn lúng túng với dòng chảy của bản nhạc nữa
Ký hiệu lặp lại
Dấu hiệu lặp lại là ký hiệu hướng dẫn chúng ta phải chơi lại đoạn nhạc nào đấy, có khi là một lần, có khi là rất nhiều lần. Điều này thì chắc hẳn bạn đã quen thuộc và không có gì lạ lẫm. Hãy lấy ví dụ bản nhạc “Chị Tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến, lời nhạc tuy thay đổi nhưng thực chất mỗi lời chỉ là sự lập lại đến 5 lần một đoạn nhạc duy nhất.
Như bạn thấy trong hình, dấu lặp lại là hai đường kẻ dọc, một nét đậm và một nét thanh, có 2 chấm nằm ở giữa. 2 Ký hiệu này luôn đi thành một cặp để đánh dấu đoạn nhạc sẽ đươc lặp lại.
Thông thường, bạn sẽ chơi bản nhạc từ đầu cho đến khi gặp dấu lặp lại “ending repeat symbol”. Khi đó, bạn sẽ quay lại chơi tiếp từ “beginning repeat symbol”.
Thông thường, nếu không có ghi hướng dẫn đặc biệt gì thì bạn chỉ cần lặp lại một lần duy nhất.
Nếu có khác biệt, sẽ có ký hiệu “2x”,”3x” được viết ngay bên trên khuông nhạc để bạn biết mình phải lặp lại đoạn nhạc đó bao nhiêu lần.
Ký hiệu lặp lại theo thứ tự.
Tiếp theo cũng là một dạng ký hiệu lặp lại, tuy nhiên sẽ hơi khác với ký hiệu bên trên một chút.
Đôi khi người nhạc sĩ muốn bạn lặp lại một đoạn nhạc nhưng không phải toàn bộ, mà lại có một chút khác nhau.Ví dụ: – Lần thứ nhất, bản nhạc sẽ được chơi là A=>B=>C
– Lần thứ hai, bản nhạc cũng được lập lại nhưng lại là A=>B=>D
Bạn thấy đấy, chỉ khác nhau một đoạn cuối cùng thì sao? Chả lẽ phải viết lại thì mất công quá.

Do đó người ta quy ước một cách lặp lại khá thông minh và dễ hiểu. Người ta sẽ dùng một khung vuông được đánh số nằm bên trên khuông nhạc để giúp ta xác định phải chơi theo thứ tự nào
Hãy quan sát ví dụ bên, bạn sẽ thấy rõ.
– Ở lần thứ nhất, bạn sẽ chơi theo thứ tự A,B và C. Sau đó bỏ qua phần D mà quay lại từ đầu- Ở lần thứ 2, bạn sẽ chơi từ A,B sau đó bỏ qua phần được đánh dấu là số 1 (C), chơi tiếp từ phần được đánh dấu số 2 (D).Sau khi chơi hết phần D cũng là kết thúc của đoạn nhạc.
Ký hiệu kết thúc
Cũng giống như ký hiệu lặp lại, ký hiệu kết thúc cũng gồm 2 vạch kẻ, một thanh và một đậm. Nhưng ký hiệu kết thúc sẽ không có 2 dấu chấm nhỏ nằm phía trước.
Khi nhìn thấy dấu hiệu này, bạn biết rằng bản nhạc đến đây là chấm dứt.
Tại sao lại cẩn ký hiệu lập lại?
Rất đơn giản thôi, để tiết kiệm giấy các bạn ạ. Đùa thôi, thực ra thì đó cũng là một lý do, nhưng lý do quan trọng hơn là khi chúng ta chơi nhạc, nhìn thấy ký hiệu lặp lại nghĩa là bạn đã biết chính xác mình phải làm gì rồi. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không phải quá tâp trung vào đoạn nhạc ấy, đỡ tốn công sức hơn cho cả nhạc sĩ và người chơi nhạc phải không.
Vậy là qua bài này, bạn đã hiểu rõ thế nào là lặp lại, khi nào cần lặp lại và khi nào là kết thúc một bản nhạc rồi phải không.
Để thực hiện phương châm “Nhạc lý dễ hiểu nhất có thể”, xin các bạn hãy cùng góp sức xây dựng trang web bằng cách để lại câu hỏi vào bất kỳ chỗ nào bạn cảm thấy lời giải thích không thoả mãn được bạn.
Sự đóng góp của bạn sẽ là sức mạnh lan toả tri thức và đam mê âm nhạc của chúng ta.
Cảm ơn bạn rất nhiều
Tìm kiếm từ google
- Hướng dẫn lặp lại kết thúc bài hát
- nhac khong loi lap lai
- đọc nhạc 7